Tranh khỏa thân nghệ thuật
Nguyễn Chơn Hiền
Để bày tỏ quan điểm của mình đối với một trong những tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa, các họa sĩ lừng danh nào cũng từng vẽ tranh đàn bà khỏa thân. Leonardo Da Vinci vẽ "Leda và Thiên nga", Michelangelo vẽ "Ngày phán xử cuối cùng”, Botticelli vẽ "Venus giáng sinh”, Agnolo Brozino vẽ "Ngụ ý tình yêu", Zucchi vẽ "Thần ái tình và Psyche”, danh họa Tây Ban Nha Francisco De Goya, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XVIII vẽ "Maja khỏa thân”...
Sự ra đời của thần Vệ Nữ của Botticelli
Tắm suối của Re Noa
Ở nước ta, đề tài tranh tượng khỏa thân là vấn đề “xưa như trái đất” nhưng ở nó vẫn còn nóng bỏng với những chuyển biến vào thời kỳ đổi mới.
Từ xưa đã thấy phù điêu tắm ao sen (hay na ná như thế) không chỉ bày ở hội hè, hay như ở triển lãm toàn quốc như ngày nay, mà là ở chốn thâm nghiêm đền miếu thiêng liêng, từ thời phong kiến. Phù điêu diễn tả đám thiếu nữ tắm ở ao sen cạn, để lộ thân hình tắm truồng, cùng tắm và tóe nước đùa giỡn hồn nhiên. Cũng như tranh khắc gỗ Đông Hồ, với bức “Đánh ghen” tác giả dân gian diễn tả đức ông chồng một tay đưa ra chống đỡ cho cô bồ trước cơn ghen dữ dội của mụ vợ đang đưa cái kéo ra quyết xởn tóc đối phương. Còn tay kia của đức ông chồng thì choàng qua vai người tình và sờ vào bộ ngực trần của cô ta. Hay ở bức “Hứng dừa” (theo một dị bản trong tranh diễn tả năm nhân vật, chứ không phải bốn nhân vật như ta thường thấy). Hai người trèo lên hái dừa, còn lại phía dưới là ba người. Bên phải tranh, diễn tả một anh chàng xoè quạt che một bên tai, thân người chồm tới rõ ràng là để nghe ngóng điều gì. Còn bên trái tranh, diễn tả một thị mẹt tốc váy lên hứng buồng dừa sắp rơi xuống. Và một mụ nữa đưa hai tay lên đón lấy buồng dừa kia, trong khi chiếc váy của mụ ta đã tuột đến tận bàn chân.
Từ xa xưa, thời phong kiến dân ta cũng chẳng xa lạ gì đề tài này, nhưng chỉ là cái mỉm cười chế diễu và với biết bao nụ cười vô tư, thoải mái của tầng lớp bình dân. Ở tranh dân gian Hàng Trống, đối tượng của nó là thị dân, vốn gần kề với tầng lớp chính thống, cho nên tranh phải mượt mà, thanh cao đáp ứng thị hiếu người thưởng ngoạn dạng trí thức cung đình, nên không thể tìm thấy đề tài khỏa thân như ở tranh dân gian Đông Hồ. Hơn ai hết, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã vạch mặt thẳng thừng vào bộ mặt đạo đức giả đó. Cái họ thèm thuồng, say mê mà mà vẫn chê bai là đê tiện:
…Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong.
Nhưng đề tài tranh khỏa thân thật sự cuốn hút các họa sĩ khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, sinh viên mỹ thuật chuyển hướng ngay theo cách nhìn của nền văn hóa Tây phương, với cách diễn đạt tinh tế, chân phương hơn. Ở nền văn hóa Hy – La trước Công nguyên người ta quý trọng vẻ đẹp thể chất, ý niệm một tinh thần sáng suốt, một cơ thể khoẻ mạnh. Vì vậy, hình tượng thần linh thường nửa khỏa thân hoặc khỏa thân hoàn toàn để ca ngợi vẻ đẹp cơ thể. Như tượng tròn “Đôpiphorơ” của Pôlycơletơ hay tượng tròn “Apôxiômenơ” của Lyxipơv.v…Không phải ngẫu nhiên mà cuộc thi thể thao đầu tiên trên thế giới đã diễn ra ở Ô-lim-pia, trên bán đảo Pêlôpôn. Và hình tượng Vệ Nữ đã tỏa sáng những phẩm chất tốt đẹp nhất của nền điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Tác phẩm tượng Vệ Nữ (Mi Lô) là một trong những chuẩn mực của đời sống tinh thần, trong buổi bình minh của lịch sử. Từ đôi vai khẻo mạnh và bộ ngực chắc nịch trinh trắng, cái cổ quay đi…là cái hoàn thiện toàn mỹ. Thời kỳ Phục hưng, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp gợi cảm về 2 hình mẫu khoả thân Adam và Eva trên vòm thánh đường Sistine ở Vatican. Người vẽ chúng chính là hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564). Giai đoạn này, Botticelli đã vẽ bức tranh Sự ra đời của thần Vệ Nữ, một bứctranh khoả thân đã lột tả hoàn toàn những vẻ đẹp tinh khiết nhất, toàn mỹ nhất của Thần Vệ Nữ, đặc biệt vẽ theo cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp. Những tác phẩm nêu trên đã chứng thực một thời kỳ vàng son của mỹ thuật thế giới.
Vậy là đã hơn 100 năm kể từ ngày hoạ sĩ Cézanne tổ chức phòng tranh mùa thu tại Paris, trong đó có bức tranh khoả thân "Thiếu nữ đang tắm" gây sự chú ý đặc biệt đối với giới nghệ sĩ và công luận. Bức tranh đó chính thức mở ra một xu hướng mới trong nghệ thuật vẽ tranh khoả thân hiện đại. Cùng với ông, hoạ sĩ thiên tài Picasso với bức tranh Những cô gái vùng Avignon đã thực sự gây chấn động giới mỹ thuật. Để rồi từ đó, giới nghệ thuật đã lấy mốc năm 1907 làm năm khởi đầu của nghệ thuật Nude (k hỏa thân).
Sau một thời gian bước vào bóng đêm của thời trung cổ, nghệ thuật nude đã sống lại với một sức sống mãnh liệt hơn. Các nghệ sĩ của Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức... đã rất đầu tư cho thể loại này. Các nghệ sĩ cho rằng: chỉ có tạo hình khỏa thân mới đi đến con đường nghệ thuật vĩnh cửu. Nhiều tác phẩm ra đời ở giai đoạn này như: Phòng trang điểm của thần Venus của Boucher vẽ năm 1751, Khoả thânnghiêng của Renoir, Người cung phi lãng mạn của Carot... đã đưa giới thưởng ngoạn vào một thế giới kỳ ảo lung linh mà các nghệ sĩ đã hà hơi vào từng đường nét màu sắc của hình thể người phụ nữ.
Bức họa Maza khỏa thân của YFrancisco De Goza
Một tác phẩm gây xốc lúc bấy giờ là trường hợp của danh họa Tây Ban Nha Francisco De Goya, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XVIII vẽ "Maja khỏa thân", người đàn bà mà họa sĩ si mê, tôn thờ, là dấu ấn của những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi với người đàn bà đẹp nhất kinh thành Madrit, nàng Maria Cayettana (Nữ Công tước Anber thứ 13). Trong bối cảnh của đất nước Tây Ban Nha khi đó, việc một người đàn bà có vị trí xã hội cao quý như Maria Cayettana dám cởi bỏ y phục để làm mẫu cho họa sĩ vẽ là một sự thách đố đối với những quy chuẩn về đạo đức. Vì vậy, Goya bị bắt giam và đưa ra tòa xử cùng với bức tranh. Trước Tòa án Giáo hội, Goya tuyên bố: "Người đàn bà là một tác phẩm tuyệt mỹ của Thượng đế. Vẽ thân thể của người đàn bà là ca ngợi, tỏ lòng tôn kính cái đẹp, còn cái nhìn dung tục là ý thức của của kẻ tà dâm”.
Bước sang thế kỷ XIX các danh họa của trường phái hiện thực Pháp lại tỏa sáng. Với chất liệu phấn tiên họa sĩ Degas vẽ tác phẩm “Sau khi tắm”, bức tranh đầu tiên mà người tắm được vẽ đang đứng và được nhìn thấy cả thân mình. Được vẽ khảo họa theo mẫu, tranh khỏa thân này lồng trong không gian rất xác định có chiều sâu trung bình. Degas thích trình bày thân thể đang cử động vào một thời điểm nhất định. Tư thế bị đông cứng trong một cử chỉ tạm thời và tất phải có một cử chỉ tiếp theo mà người nhìn có thể tưởng tượng ra. Khi vẽ thân thể chuyển động trong không gian, Degas đưa thêm cảm giác về thời gian và không gian. Với tác phẩm “Sau khi tắm người đàn bà đang lau mình”, “Tắm sáng” về nội dung gợi cảm đến mức làm ta bối rối, Eugène Parry Jannis viết:“Tính chất gợi tình kỳ lạ toát ra từ các bức khỏa thân này. Nhưng nó không phải là sự biểu hiện của ham muốn theo nghĩa thông thường. Cái làm chúng ta xúc động, như lúc nào cũng có khi chúng ta đề cập tới tính chất gợi cảm ở Degas, đó là đặc quyền mà ông ban cho chúng ta được một cảnh thân mật”. Tác phẩm “Cái thùng tắm”, bức phấn tiên này là một trong bảy bức tranh mà Degas thực hiện giữa những năm 1880 về chủ đề người đàn bà tắm. Được trưng bày trong cuộc triển lãm Ấn tượng lần thứ tám, bức tranh được các nhà phê bình khen ngợi. Maurice Hermel nhận định rằng:“Những vấn đề cơ thể học đã được một nhà hình họa cừ khôi giải quyết và được một họa sĩ điều sắc hạng nhất thi vị hóa … Tư thế này tuyệt vời vì chân thực”.
Họa sĩ Delacroix phát biểu: “Chủ nghĩa hiện thực không cốt bắt chước ở thực tế mà là phơi bày sự thật bằng cách hiện thân trong người mẫu khỏa thân. Nhưng lý luận có thể đảo ngược: không phải Thiên nhiên là người mẫu của họa sĩ, mà là Chân lý - Hội họa”. Hình ảnh tượng trưng kết hợp với người đàn bà và nước chảy luôn luôn được các họa sĩ coi trọng. Họa sĩ Gustave Courber được coi như người đứng đầu trường phái hiện thực, trường phái hội họa thế kỷ XIX của Pháp cũng đã thử vẽ đề tài nầy nhiều lần. Nhưng tính cách trữ tình ở ông, nhu cầu biểu thị những tư tưởng trừu tượng qua sự mô tả thực tế của ông giải thích được việc ông cầu viện những chủ đề tượng trưng. Sự kiện đó làm ông khác hẳn các họa sĩ hiện thực. Do nguồn cảm hứng thiên tài, nó biến người đàn bà thành một hậu duệ của các nữ thần sông suối đẹp nhất của Rubens. Ngoài xác thịt thực tế ra, người đàn bà của Nguồn suối (1868) nầy thuộc về thế giới tưởng tượng huyền ảo của họa sĩ.
Cùng thời với ông có một họa sĩ người Pháp nữa, đóng vai trò hàng đầu trong giai đoạn mới của nền nghệ thuật Pháp giai đoạn hậu ấn tượng, tên là Paul Gauguin. Tác phẩmHai người phụ nữ Tahiti(1899) của Gauguin, trong bức tranh không có một biểu tượng ký hiệu hay ám chỉ văn học nào làm lu mờ nữ tính lý tưởng của cơ thể hai người đàn bà này. Phổ màu gồm hai màu, vàng đất và lục đất được tôn giá trị bằng những màu lam tinh tế và màu đỏ chói của trái cây ở phần bộ ngực, chính bộ ngực cũng tự phô bày như một trái cây.
Đến năm 1910, danh hoạ Léger đã vẽ bức tranh Khoả thân trong rừng nổi tiếng. Bức tranh xử lý thiên nhiên bằng khối trụ, khối nón, khối cầu đã tạo nên một bố cục mạnh mẽ và hết sức mới mẻ. Các nghệ sĩ phương Tây trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 đã có nhiều tác phẩm đẹp, nhưng vẫn không bằng những bậc đàn anh đi trước. Những hoạ sĩ tàinăng về tranh nude giai đoạn này có thể kể đến như: Hornyak, Allison, Bacon...
Nếu ở châu Âu có những họa sĩ sáng giá vẽ tranh khỏa thân nêu trên, thì tại khu vực Châu Á, trước công nguyên cũng đã tồn tại nhiều bức phù điêu và tượng khoả thân trong các đền thờ ở Ấn Độ. Ở Việt Nam là những tượng khoả thân ở các nhà mồ Tây Nguyên, hoặc các bức tượng phù điêu tại các thánh địa Chàm. Rõ ràng tôn giáo Hindu tôn vinh sự phồn thực.
Hoạ sĩ Nhật Bản Utamaro Kitagawa (1753-1806) với bức tranh Những người mò trai được xem là người tiên phong cho nghệ thuậtvẽ tranh khoả thân ở châu lục này.
Một tác phẩm của họa sĩ Trung Hoa Li Zhuangping (đang gây ra tranh cải nghiêm trọng tại Trung Hoa vì những bức tranh khõa thân của con gái ông là Li Qin làm người mẫu).
Hoạ sĩ Trung Hoa, Lâm Dung rất thành công trong nghệ thuật vẽ tranh khỏa thân bằng bút pháp thuỷ mạc. Nhìn chung, các nghệ sĩ Châu Á có lối tạo hình khỏa thân rất mềm mại, kín đáo và mang tính triết lý ẩn dụ cao.
Ở Việt Nam, 2 hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh và Bùi Xuân Phái cũng được xem là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Nguyễn Phan Chánh có bức tranh lụa Trăng tỏ rất nổi tiếng. Miền nam trước đây thì có hoạsĩ Văn Đen, hoạ sĩ Rừng ... Vài thập niên gần đây thì có hoạ sĩ Thành Chương, Đỗ Quang Em, Nguyễn Quân, cố hoạ sĩ Bửu Chỉ... cũng rất thành công trong nghệ thuật vẽ tranh khỏa thân.
Thực ra, công chúng yêu nghệ thuật của chúng ta chẳng phải xa lạ gì đề tài khỏa thân này. Thời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các sinh viên đã có những sáng tác về tranh khỏa thân nghệ thuật, nhưng hình như còn rụt rè chưa dám công bố ra trước công chúng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, để được giải phóng và thống nhất đất nước, tất cả văn nghệ sĩ tập trung vào nhiệm vụ thiêng liêng này, vấn đề sáng tác đề tài tranh khỏa thân tạm gác lại. Sau thời kỳ đổi mới sáng tác, tranh tượng đề tài khỏa thân được đẩy mạnh hơn. Một sự kiện đáng ghi nhận của thầy cô trường giảng dạy của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là đã ra mắt phòng triển lãm tranh, tượng chuyên đề “khỏa thân”. Cuộc triển lãm này của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Khai mạc ngày 19/11/2003) được xem như chính thức mở đầu, dù đề tài này từ khá lâu vẫn có xen kẽ tham dự những cuộc triển lãm, kể cả ở “Triển lãm toàn quốc”.Cuối năm 2007, thầy cô của trường nầy tiếp tục triển lãm với đề tài tranh khỏa thân, người được coi “trẻ mãi không già” chính là phong cách vẽ thiếu nữ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Từng nổi tiếng với mảng tranh ký họa chiến tranh, thời kỳ đổi mới đất nước tranh vẽ các thiếu nữ khỏa thân của Huỳnh Phương Đông mặc dù lớn tuổi vẫn sống động, trữ tình, có hồn.
Tranh khỏa thân luôn là một trong phần cơ bản của các họa sĩ khi bắt đầu cầm cọ và được truyền thụ, được vẽ thực hành khá bài bản ở một trường mỹ thuật. Sự cảm thụ cái đẹp về hình thể, dáng vóc của con người đã được tái hiện qua biết bao tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ thời Phục hưng cho đến Hiện đại, Đương đại.
Siêu thoát của NGUYỄN CHƠN HIỀN
Thế nhưng, sự thể hiện cái đẹp hình thể, dáng vóc khỏa thân của người phụ nữ, nhiều lúc dễ bị coi là vấn đề “nhạy cảm”... Cho nên, cái Đẹp nếu được đánh giá đúng, trước hết chính bản thân người nghệ sĩ phải thể hiện tác phẩm của mình một cách có nghệ thuật và đó cũng là cách để công chúng thưởng thức cái đẹp của tranh khỏa thân một cách thuần khiết hơn là bị rơi vào cảm giác dung tục, nhục dục tầm thường. Điều đó được minh chứng qua nhận xét sâu lắng sau khi xem bức tranh Tiên Dung của nhà thơ Văn Trọng Hùng:
…Trong khoảnh khắc ngất ngây
Trần gian sao mà đẹp
Không đau khổ, đắng cay
Không tranh giành ghen ghét.
*
Em khỏa thân trên cát
Cát bỗng hóa giai nhân
Và
Giai nhân… bật khóc!
Nghệ thuật khỏa thân gần như được mô tả nhiều trong văn chương, điện ảnh, nhiếp ảnh. Có lẽ trong mỹ thuật, tranh khỏa thân lại càng không phải là đề tài xa lạ. Chỉ mong sao cái Đẹp của tranh khỏa thân luôn được thể hiện với ý nghĩa nghệ thuật thăng hoa và được đối tượng thưởng ngoạn cảm nhận đúng đắn, gần gũi, tự nhiên, thánh thiện./.
http://yume.vn/news/cate/subcate/tranh-khoa-than-nghe-thuat.35A80987.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét