BÍCH KHÊ - THI SĨ THẦN LINH
Phần I : Xác thịt lên ngôi thần
Phạm Xuân Nguyên
Thi sĩ Bích Khê (1916-1946)
|
Bích Khê đã đặt Dâm ngang hàng với Đẹp, và như thế với ông đó là một phạm
trù thơ. Tên phạm trù đó, loại thơ đó Bích Khê cũng đã đặt: Thơ lõa thể. Và ông tự nguyện hiến mình cho loại thơ này.
Xác thịt lên ngôi thần
Nàng Thơ của Bích Khê là một người “đẹp và dâm”. Chân
dung nàng luôn được thi nhân trình bày ở dạng lõa thể, khỏa thân. Nhìn vào đó
ta thấy Nàng đẹp.
Đẹp một cách tổng
quát:
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương
hay nhan sắc lên hương
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ
tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi (I)
(Lõa thể)
Đẹp ở “cặp đùi non, một vẻ tơ mơ một vẻ ngon”.
Đẹp ở cặp mắt “xanh tợ ngọc”, “đa tình ngời sắc kiếm”, “kho tàng muôn châu báu”. Bích Khê thấy Hai mắt ấy chói hào quang sáng ngợp / Dẫn ta vào thế giới thiêng liêng. Đó là ánh sáng soi đường thơ cho nhà thơ. Cặp mắt và bầu vú là hai ám ảnh thơ của Bích Khê, xuất phát từ cách nhìn lõa thể thơ của ông. Nhiều nhà thơ mới đã ca ngợi đôi mắt phụ nữ, nhưng nói đến vú thì hình như chỉ Bích Khê là một.
Đẹp ở đôi bầu vú:
Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ
Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh
(Sắc đẹp)
Vẻ chi mãnh liệt nhưng êm ái
Trong cặp tuyết lê ướm dậy thì
(Châu)
Bích Khê nói nhiều đến đôi vú Người Nữ, của Nàng Thơ. Vì với ông đó là nguồn thơ. Ông làm thơ tức là ông “nút” vú, “nút” tinh chất của Người Nữ, của Nàng Thơ, là tìm chất quý thơm tinh mùi khoái lạc. Động từ “nút” của tiếng địa phương miền Trung được dùng nhiều trong thơ Bích Khê là liên quan đến cảm hứng cảm xúc này của nhà thơ. Thêm một trạng từ địa phương nữa thường được dùng đi cùng động từ này - “nư”. Nút cho nư, đã nư, tức là nút đến no nê, tràn đầy, thỏa mãn. (Hàn Mặc Tử cũng hay dùng những từ này).
Với cô gái trong một bức tranh lõa thể:
Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
Với “người em lãng mạn” trong một bức ảnh:
Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ
Lấy môi lấy má... lấy ngây thơ
Để anh nút ớn mùi hương ấm
Của một tình yêu giận hững hờ
Tác phẩm Nữ khỏa thân (60x90cm, phấn trên giấy, 1932) của HS Lê Phổ
Với “một cô đào hát bộ”:
Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng
Nút bao thanh khí, đã nư thèm...
Cả với một cảnh vật mùa xuân Bích Khê cũng “vú hóa” theo cảm hứng này: “Nâng lên núm vú đồi / Sữa trăng nhi nhỉ giọt”. Từ đó mùa xuân mới chảy vào thơ ông thành xuân tượng trưng. (So sánh với Hàn Mặc Tử cũng viết về đồi và trăng: Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ / Đầy mình lốm đốm những hào quang. Hai cách viết thơ khác hẳn nhau, một bên là đi vào liên hệ bên trong, một bên là nhân hóa cảnh tượng bên ngoài).
Đẹp ở da thịt “nức một đường thơm một điệu êm”, tỏa một mùi hương “còn thơm hơn chất xạ”, khiến thi nhân muốn “Cho ta xin trong một tối du dương / Muôn thớ đàn run trên da thịt tuyết”. Da thịt tuyết này còn hiện ra ở tràng cánh trắng của đồ mi hoa, trong khi Đài nộn nhụy hóa nguồn trinh tinh khiết. Và Bích Khê phổ cả cảm hứng nhục thể vào bầu trời khi từ đỉnh Ngũ Hành Sơn nhìn lên:
Có ai biết trên cao
Da trời màu thịt sứa
Da trời se chất sữa
Truyền cảm hứng mênh mông
(Ngũ Hành Sơn - bài hậu)
Đến cả mộng của ông cũng là “mộng lạ”. Các nhà thơ mới hay mộng, mà mộng gặp tiên, gặp người đẹp, chuyện ấy đã thường. Bích Khê cũng mộng, trong mộng cũng gặp các nàng “giai nhân hiện dưới bóng hằng nga” (một motiv quen thuộc, như đã thành một cliché của thơ lãng mạn), rồi cũng tả sắc đẹp của người đẹp ở mắt môi dáng đứng dáng đi. Đột một cái, hai câu kết bài “Mộng lạ”: Ôi đi! Đoàn tiên lột khỏa thân / Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần. Thế là tiên đã thành người trần. Mộng đã thành thực. Thơ tiên đã thành thơ phàm.
Ở một bài khác (Hiện hình) trước khi thấy Một người thiếu nữ hiện trong trăng thì thi nhân đã ngửi thấy Thơm tho mùi thịt bắt say ngà! Ông tự nhận Hồn tôi mất cả đồng trinh vì mê luyến những hình thiên nga. Cho nên trong một lần Mơ tiên ông đã những muốn đi cướp mây trời / vén ra cho thấy một vài nường tiên để coi hồn đương say nghiền / đã nư khoái lạc trong miền chiêm bao. Khoái cảm nhục thể của Bích Khê quả là mạnh trong thơ ông. Đến mức một trái cây như trái măng cụt cũng thành ra da thịt người dưới mắt ông, múi mát tợ thịt thơm, và ăn nó như là bú vú vậy, mùi sữa mớm vô răng.
Bích Khê có hẳn một bài thơ đặt tên là Xác thịt:
Tôi vồ người như một miếng mồi ngon
Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son
Mắt đổ lửa lườm qua làn sóng sắc...
Tôi giật nẩy rồi cười lên sặc sặc
Hai tay cào đôi vú trắng như bông
Hàn Mặc Tử cho rằng đọc những vần thơ ấy “giây thần kinh và gân huyết ta rung động say mê bởi những làn khoái lạc của xác thịt nóng, thơm, ran ran lên cả người” (II).
Như vậy, xác thịt được đặt lên ngôi thần, được đưa vào ngôi chủ thơ. Đó là Bích Khê. Ông “hoan hô” cái sự đó, nghĩa là ông thấy ở đó nên thơ và đáng thơ.
Nàng thơ của Bích Khê hiện hình trong thơ ông qua tên gọi phiếm chỉ những người phụ nữ khác nhau. Duy chỉ có một nàng được ông gọi thẳng tên và nhắc đến nhiều lần với niềm yêu thương, trân trọng. Đó là nàng Xuân Hương.
Ông gặp nàng ở bến sông Ngân:
Ô! Nàng Xuân Hương ngực để trần
Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần
Nhìn xuống nhân gian cười như điên
(Nghê thường)
Ông muốn xuống địa ngục trong cơn ăn mày cảm hứng “Đặng ngủ nhờ một đêm với Xuân Hương”. Ông nằm mộng “Thì mộng: Xuân Hương nường đã đến / Thưa cô, dáng nguyệt tuyết còn vương”.
Và ông có hẳn một bài thơ nhan đề Hồ Xuân Hương mời nàng nữ sĩ về làm vợ mình, gọi bà là người vợ trong thơ. Ông đồng điệu tri âm với nữ sĩ trong loại thơ đặc sắc của bà mà chắc ông muốn học theo: Văn chương quán thế không ai biết / Trong mộng mình về thưởng với tôi. Xuân Hương trong mắt Bích Khê vẫn mãi đẹp.
Đêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng
Muôn dặm người xa đã thấy về
Xanh liễu ngoài sân vừa đổi biếc
Màu thi sắc lá đọ dung nghi
Phải chăng Bích Khê thấy ở Hồ Xuân Hương sự đồng điệu với ông trong quan niệm thơ lõa thể - đẹp và dâm? Nàng thơ là người đẹp, nhưng cái đẹp đó phải được thức dậy, được sống động ở nhục thể, ở da thịt, ở ân ái. Có là mộng, là thiên tài, thì cũng phải Trên hỗn độn khỏa thân. Thơ, với Bích Khê, là da thịt biến ra thơm, là Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương khi Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng, là Hợp tinh khí chảy ra thành chất ngọc. Ông nói thẳng ra những điều Hồ Xuân Hương thể hiện lấp lửng hai mặt. Ông tuyên bố:
Ôi! say khướt mới dào muôn ý tứ
Ôi! điên rồ mới ngợp ánh chiêm bao
Ôi! dâm cuồng mới biết giá trăng sao! (III)
Thơ của Bích Khê, vì thế, là thơ lõa thể.
Phạm Xuân Nguyên
Nguồn : Theo_VietNamNet .
XEM TIẾP : BÍCH KHÊ THI SĨ THẦN LINH _ PHẦN II : Thơ lõa thể
trên TIẾNG QUÊ HƯƠNG
[1] Tất cả thơ Bích Khê dẫn trong bài này đều rút từ sách Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, H. 1999, tr. 265 - 346.
[2] Hàn Mặc Tử. Bích Khê, thi sĩ thần linh, in trong sách: Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (1900 - 1945), Nxb Văn Học, 1997, tập IV, tr. 140 - 141. Đây là bài Hàn Mặc Tử viết tựa cho tập Tinh huyết. Điều đáng chú ý là bài thơXác thịt này không thấy có trong Tinh huyết in ở sách Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm. Mấy câu thơ trên tôi lấy từ bài của Hàn Mặc Tử.
[3] Trong bài tựa Tinh huyết của Hàn Mặc Tử (Sđd, tr. 142) mấy câu này được dẫn khác:
Có say khươt mới dào muôn tứ ngọc
Có điên rồ mới hớp ý trăng sao
Có dâm cuồng mới dâng cả lên cao
Nơi chu lưu một nguồn thơ bất tuyệt
Theo bản này thì càng thấy rõ ý của Bích Khê hơn.
[4] “Suốt trong một năm 1938, tôi hết sức khích lệ chàng, mong mỏi ở chàng một thi sĩ xuất sắc, cao cường. Cái hy vọng của tôi sốt sắng quá, nóng nảy quá, đã một lần đưa tôi vào sự chán chê và tức bực. Gần cuối năm ấy, chàng gửi ra cho tôi nhiều thơ, mà tôi chẳng lựa được bài nào cả. Tôi gửi trả lại chàng kèm với bức thư mà tôi dùng rất nhiều lời khiêu khích mỉa mai (cốt làm cho chàng tức). Quả nhiên chàng giận run người lên và vội trả lời, thề với tôi rằng: Trong sáu tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến làm thi sĩ nữa. Ngờ đâu sự hằn học của chàng bật nẩy thiên tài của chàng ra. Không đợi đúng sáu tháng, chỉ trong vòng ba tháng thôi, chàng đã viết được một tập thơ, viết bằng máu huyết tinh tủy và châu lệ, và tất cả say sưa, đắm đuối của một hồn thi sĩ” (Hàn Mặc Tử. Bích Khê, thi sĩ thần linh, Sđd, tr. 130 - 131).
[5] Đỗ Đức Hiểu. Đổi mới đọc và bình văn, Nxb Hội Nhà văn, H. 1999, tr. 153 - 154.
[6] Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm, Sđd, tr. 154.
[7] Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm, Sđd, tr. 447.
[8] Hàn Mặc Tử. Bích Khê, thi sĩ thần linh, Sđd, tr. 141.
[9] Il est des parfums frais comme des chairs d'enfants,
Doux comme les hautbois, verts comme les prairies,
— Et d'autres, corrompus, riches et triomphants,
Ayant l'expansion des choses infinies,
Comme l'ambre, le musc, le benjoin et l'encens,
Qui chantent les transports de l'esprit et des sens.
Doux comme les hautbois, verts comme les prairies,
— Et d'autres, corrompus, riches et triomphants,
Ayant l'expansion des choses infinies,
Comme l'ambre, le musc, le benjoin et l'encens,
Qui chantent les transports de l'esprit et des sens.
(Correspondances)
Phạm Xuân Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét